Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025”
Thời gian qua, tỉnh Sơn La tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm đẩy mạnh thực hiện Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025”; tiếp tục bảo vệ, phát triển rừng, mang lại môi trường sinh thái trong lành, cải thiện cảnh quan, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức thực hiện trồng được 10.446.100 cây xanh các loại
Thực hiện Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025”. Ngày 08/4/2021, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Công văn số 936/UBND-KT về việc triển khai thực hiện Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án ‘‘Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025’’. Trong đó, UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, tham mưu xây dựng Kế hoạch trồng cây xanh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 và được ban hành tại Quyết định số 1132/QĐ-UBND ngày 03/6/2021 của UBND tỉnh. Đồng thời, để tăng cường công tác chỉ đạo tổ chức phong trào ‘‘Tết trồng cây’’ và tăng cường công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn tỉnh năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 281/UBND-KT ngày 24/01/2022 giao UBND các huyện, thành phố cân đối bố trí và lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình, dự án từ ngân sách nhà nước và nguồn vốn thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch trồng rừng tập trung năm 2022 theo sát tình hình thực tiễn tại địa phương.
Trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức thực hiện trồng được 10.446.100 cây xanh các loại, trong đó: Trồng cây xanh trong trồng rừng tập trung được 7.839.700 cây xanh các loại (Bao gồm: 2.166,3 ha rừng phòng hộ, đặc dụng; 2.733,5 ha rừng sản xuất), các loại cây trồng rừng chủ yếu như: Thông mã vĩ, Mắc ca, Giổi xanh, Pơ mu,....; Trồng cây xanh phân tán được 2.606.400 cây các loại.
Từ đô thị đến khu vực nông thôn, tỉnh đã triển khai thực hiện đề án trồng cây xanh tại các hành lang giao thông; ven sông, kênh, mương, bờ đồng, nương rẫy; trong khuôn viên các trụ sở, trường học, bệnh viện, cụm công nghiệp; các công trình tín ngưỡng và công trình công cộng khác… Các loại cây xanh được lựa chọn phù hợp với cảnh quan, môi trường sinh thái, tập quán canh tác của từng địa phương, khu vực. Trong đó, tập trung trồng cây bản địa, thân gỗ, đa mục đích, có giá trị kinh tế bảo vệ môi trường, phù hợp bản sắc văn hóa địa phương như: Sấu, Xà cừ, Trám, Giổi xanh, Ban, Lát hoa, Mai Anh Đào, Quế; các loại cây ăn quả: Mắc ca, Nhãn, Xoài, Bưởi, Đào ...
Theo kết quả tổng hợp báo cáo của UBND các huyện, thành phố tổng nguồn kinh phí đã huy động và lồng ghép tổ chức triển khai thực hiện trồng cây xanh năm 2022 được khoảng 95.715 triệu đồng. Dự kiến kế hoạch trồng cây xanh phân tán năm 2023 thêm 1.000.000 cây.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm các cấp, các ngành, nhân dân trong việc thực hiện Đề án cũng như bảo vệ, phát triển rừng và trồng cây xanh. Tập trung đẩy mạnh thực hiện Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” sẽ là tiền đề vững chắc cho tỉnh tiếp tục bảo vệ, phát triển rừng, mang lại môi trường sinh thái trong lành, cải thiện cảnh quan, ứng phó với biến đổi khí hậu. Qua đó, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn.
Như Thuỷ