Đẩy mạnh thực hiện Đề án “Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017 - 2025” trên địa bàn tỉnh Sơn La
Sau 5 năm thực hiện Đề án “Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017-2025”, cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả tích cực.
Thực hiện Quyết định số 7618/QĐ-BYT ngày 30/12/2016 của Bộ Y tế phê duyệt Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017-2025; Kế hoạch số 77/KH-UBND ngày 05/5/2017 của UBND tỉnh Sơn La về việc thực hiện Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017-2025 trên địa bàn tỉnh Sơn La. Trong 5 năm qua, Sở Y tế, Chi cục Dân số-Kế hoạch hoá gia đình đã ban hành 28 văn bản, trong đó 14 kế hoạch, 14 công văn, hướng dẫn triển khai thực hiện kế hoạch, hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo Chi cục Dân số-Kế hoạch hoá gia đình, Trung tâm Dân số-Kế hoạch hoá gia đình các huyện, thành phố tham mưu trình UBND huyện, thành phố ban hành kế hoạch thực hiện Kế hoạch số 77/KH-UBND ngày 05/5/2017 của UBND tỉnh. Kết quả 12/12 huyện, thành phố đã ban hành kế hoạch thực hiện Kế hoạch số 77/KH-UBND ngày 05/5/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Căn cứ nhiệm vụ được giao, hằng năm, Trung tâm Y tế huyện, thành phố, các bệnh viện đa khoa tỉnh, huyện, bệnh viện chuyên khoa đã xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Các cơ quan, đoàn thể tăng cường truyền thông giáo dục, thay đổi hành vi nâng cao nhận thức, tạo môi trường xã hội đồng thuận tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền về các chủ trương, pháp luật của Đảng, Nhà nước về người cao tuổi, quyền lợi của người cao tuổi, nghĩa vụ và trách nhiệm của gia đình, xã hội đối với người cao tuổi, cung cấp thông tin về già hóa dân số, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Đồng thời các bệnh viện tuyến huyện đã phối hợp với trung tâm y tế tổ chức các buổi tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung và đối với người cao tuổi nói riêng về kiến thức phòng bệnh, chữa bệnh và tự chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng đặc biệt là đối với một số bệnh mãn tính thường gặp ở người cao tuổi như: Bệnh mạch vành, tăng huyết áp, đột quỵ, đái tháo đường, ung thư, tắc nghẽn mạch phổi, thoái hóa khớp, loãng xương, sa sút trí tuệ... phải điều trị suốt đời.
Tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi nhằm cung cấp thông tin, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền về công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa những thách thức của già hóa dân số với phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt đối với chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; cấp ủy, chính quyền các cấp ban hành nghị quyết, kế hoạch, đầu tư kinh phí; huy động mọi nguồn lực phù hợp với điều kiện để tổ chức thực hiện các hoạt động về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Kết quả đã tổ chức 02 hội thảo chuyên đề cấp tỉnh về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cho 170 người là đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể; tổ chức 02 hội thi với 144 người cao tuổi đại diện cho 12 huyện, thành phố tham dự hội thi và thu hút khoảng hơn 1.000 người đến xem, cổ vũ hội thi.
Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nói chuyện chuyên đề và phổ biến kiến thức cơ bản về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại các xã phường, thị trấn thông qua đội ngũ viên chức dân số xã, phường, thị trấn và cộng tác viên dân số cho người cao tuổi, người thân trực tiếp chăm sóc người cao tuổi. Nội dung tuyên truyền tập trung chủ yếu vào thông tin về già hóa dân số, quyền được chăm sóc sức khỏe, nâng cao trách nhiệm của gia đình đối với chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi, từng bước xóa bỏ định kiến về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trong các cơ sở tập trung; cơ quan, tổ chức, gia đình có trách nhiệm kính trọng, không phân biệt, kỳ thị, giúp đỡ, chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi trong giáo dục các thế hệ con, cháu; nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng và mỗi cá nhân trong việc có kế hoạch chủ động chuẩn bị tuổi già khi còn trẻ. Kết quả đã tổ chức 2.448 buổi nói chuyện chuyên đề, phổ biến kiến thức tại 204 xã, phường, thị trấn với khoảng 286.416 người cao tuổi được nghe tuyên truyền.
Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền cho những người làm công tác người cao tuổi cấp xã, phường, tổ, bản, cộng tác viên dân số về các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của pháp luật về người cao tuổi; chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi; một số bệnh thường gặp và cách phòng tránh bệnh ở người cao tuổi... nhằm tạo được một mạng lưới tuyên truyền viên về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng, góp phần đáp ứng ngày càng đầy đủ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi tại gia đình và cộng đồng. Kết quả đã tổ chức 15 lớp cho 975 người là chi hội trưởng Chi hội người cao tuổi các tổ, bản, tiểu khu và cộng tác viên dân số.
Các Bệnh viện triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng cũng như tại bệnh viện. Kiện toàn tổ khám chữa bệnh, chăm sóc người bệnh cao tuổi; Kiện toàn Tổ công tác xã hội để tư vấn, hướng dẫn và tiếp đón đối với tất cả người bệnh đặc biệt là người cao tuổi. Thực hiện lồng ghép tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi vào các buổi sinh hoạt hội đồng người bệnh hàng tuần. Thường xuyên tổ chức thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi tại y tế cơ sở giúp người cao tuổi bị bệnh được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Từ năm 2017 đến nay, trạm y tế xã, phường, thị trấn đã thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho 305.657 lượt người cao tuổi. Đồng thời tổ chức các chiến dịch khám sức khỏe và lập hồ sơ theo dõi sức khỏe cho người cao tuổi, tổng số hồ sơ theo dõi sức khỏe được lập đến nay là 180.166 hồ sơ.
Sau 5 năm triển khai Đề án đến nay 100% các cấp Ủy đảng, chính quyền, các ban ngành đoàn thể được cung cấp thông tin về già hóa dân số, ban hành văn bản chỉ đạo, kế hoạch về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; tỷ lệ người cao tuổi được biết thông tin về già hóa dân số, quyền được chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi và các kiến thức chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là đạt 81%; tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm là đạt 62,7%; người cao tuổi được lập hồ sơ quản lý sức khỏe đạt 54,6%; 37,7% xã, phường xây dựng mạng lưới tình nguyện viên giúp đỡ người cao tuổi; người cao tuổi có thẻ bảo hiểm đạt 94,3% đây là nỗ lực lớn của địa phương, nhất là trong giai đoạn cao điểm phòng chống dịch bệnh COVID-19 (cuối năm 2020 đến 3 tháng đầu năm 2022).
Như Thuỷ