image banner
Phát triển nông sản trở thành hàng hóa theo chuỗi giá trị
Lượt xem: 200
Mộc Châu là huyện có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, có nguồn tài nguyên đất đai rộng lớn, có nhiều vùng tiểu khí hậu khác nhau là lợi thế để đa dạng hoá các sản phẩm nông nghiệp và đầu tư phát triển những sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương, đặc biệt là các loại quả ôn đới, rau hoa chất lượng cao.

Toàn huyện đang tiếp tục đẩy mạnh quá trình hội nhập kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phát triển sản xuất và thị trường tiêu thụ nông sản hàng hoá có giá trị kinh tế cao, ổn định trong và ngoài nước. Thương hiệu các sản phẩm nông sản Mộc Châu đang ngày càng được người tiêu dùng cả nước biết đến và tin dùng như: Sữa Mộc Châu, quả Bơ Mộc Châu, Rau an toàn Mộc Châu, Chè Mộc Châu. Nhiều nhà máy chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh được xây dựng, đưa vào hoạt động với quy mô lớn, tạo điều kiện phát triển nhiều vùng sản xuất hàng hóa với quy mô, sản lượng lớn tiêu thụ ổn định.

Năm 2022, tiếp tục hỗ trợ duy trì 49 chuỗi hiện có và phát triển thêm 09 chuỗi cung ứng nông sản an toàn, nâng tổng số chuỗi cung ứng nông sản an toàn trên toàn huyện lên 58 chuỗi (Trong đó có 33 chuỗi đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấp Giấy xác nhận chuỗi cung ứng nông sản an toàn), cụ thể: 18 chuỗi tiêu thụ rau, củ, quả an toàn với tổng diện tích 126 ha. Tổng sản lượng liên kết theo chuỗi đạt trên 7.265 tấn/năm; 34 chuỗi tiêu thụ quả an toàn (mận, chanh leo, nhãn, xoài, bưởi, dâu tây, bơ...) với tổng diện tích 500,9 ha. Tổng sản lượng quả tươi liên kết theo chuỗi đạt trên 5.858 tấn/năm; 04 chuỗi tiêu thụ chè an toàn với tổng diện tích gần 250 ha, tổng sản lượng liên kết khoảng 4.370 tấn/năm; 02 chuỗi tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi an toàn với tổng khối lượng liên kết trên 90.000 tấn/năm.

Trên địa bàn huyện có 2 hợp tác xã chế biến quả các loại mận hậu, chuối, mơ, chanh leo, xoài, nhãn; 13 nhà máy chế biến chè búp tươi, với công suất khoảng 300 tấn/ngày; Công ty Cổ phần Dâu tằm tơ Mộc Châu tiếp tục duy trì, đầu tư nâng cấp nhà máy chế biến tơ tằm với công suất 25 tấn/ngày; Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu tiếp tục đầu tư, nâng cấp lên 11 dây truyền chế biến các sản phẩm từ sữa tại 02 nhà máy chế biến, với công suất bình quân đạt 250 tấn sữa tươi/ngày; Toàn huyện hiện có 19 cơ sở đầu tư kho lạnh trong bảo quản nông sản với tổng diện tích 2.614,44 m2, thể tích đạt khoảng 9.000 m3, quy mô sức chứa đạt trên 2.500 tấn và có 04 cơ sở đầu tư xe lạnh trong bảo quản, vận chuyển nông sản với tổng số 28 xe lạnh quy mô trọng tải 250 tấn, chủ yếu bảo quản và vận chuyển sản phẩm rau, hoa, quả và sữa. Bên cạnh đó, có 9 cơ sở sử dụng công nghệ sấy lạnh, 29 cơ sở sử dụng công nghệ sấy nóng các sản phẩm chè, quả; 09 cơ sở sử dụng công nghệ đóng gói hút chân không cho các sản phẩm chè, sữa, quả.

Tập trung thực hiện cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp bằng việc đưa máy móc vào sản xuất, thu hoạch sản phẩm như sử dụng máy cày, máy gặt, phương tiện ô tô vào việc chở các sản phẩm nông sản đến nơi tiêu thụ. Hiện nay cơ giới khâu làm đất cơ bản đã đạt 50-70% đối với một số cây trồng như cây chè, lúa, ngô; khâu chăm sóc, bảo vệ thực vật đạt trên 40%; khâu thu hoạch đạt trên 80% đối với chè (sử dụng máy cắt chè). Cơ giới hóa chuồng trại, thu hoạch sữa trên đàn bò sữa đạt 100%.

Trong những năm gần đây, số lượng hợp tác xã và tổ hợp tác nông nghiệp tăng cao theo từng năm và phát triển rộng khắp từ những vùng trung tâm đến những vùng sâu, vùng xa. Năm 2022, đã thành lập mới được 10 hợp tác xã nông nghiệp, nâng tổng số hợp tác xã nông nghiệp lên 110 hợp tác xã nông nghiệp với tổng số 1.045 thành viên và 59 tổ hợp tác nông nghiệp với trên 720 thành viên. Các hợp tác xã cơ bản đã làm tốt vai trò hợp tác, liên kết nhằm đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm, chuyển đổi cây trồng vật nuôi và xây dựng mô hình sản xuất mới; là cầu nối giữa người sản xuất và người tiêu thụ tạo ra các chuỗi sản xuất, cung ứng, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (có trên 50 tổ hợp tác tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn/58 chuỗi), ngoài ra các tổ hợp tác còn là cầu nối tiếp nhận các chính sách hỗ trợ của nhà nước. Sự phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp đã giúp phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, gia tăng thu nhập, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống của thành viên.

Như Thuỷ

Video tuyên truyền nông thôn mới
  • Nhãn Sông Mã
  • Nhãn Sông Mã, khẳng định Thương Hiệu
  • Son La day manh tieu thu va xuat khau nong san an toan
  • Sơn La Nông sản an toàn và xuất khẩu
Trang đầu « 1 » Trang cuối 

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Ghi rõ nguồn Cổng Thông tin điện tử tỉnh Sơn La (https://sonla.gov.vn) khi trích dẫn tin